Phong trào khiêu vũ ở Hà Nội xưa

Tùng 1989 | 23/02/2023

 

Giờ thì khiêu vũ đã thành ra phổ biến. Khắp chốn, mọi nơi người ta nhảy. Vỉa hè đường phố, vườn hoa, công viên chỗ nào cũng nhảy được. Cứ chiều đến là các bà, các ông ôm “loa kẹo kéo” ra chỗ rộng rãi là đã thành sàn nhảy thiên nhiên…

 

Những trào lưu mới

Quãng những năm 1965 - 1970 phong trào khiêu vũ (ngày ấy gọi là “quốc tế vũ”) ở Hà Nội đã lan tỏa rộng rãi. Đời sống bao cấp thiếu thốn đủ thứ, sinh hoạt giải trí cũng nghèo nàn, thành ra những tối thứ bảy, chủ nhật, ngoài mua vé xem chiếu bóng hay đạp xe dạo quanh hồ Hoàn Kiếm thì quốc tế vũ quả là một trào lưu mới mẻ, thu hút đông đảo tầng lớp thanh niên, sinh viên.

Các câu lạc bộ buổi tối ở trường đại học rất đông sinh viên đến tham gia học khiêu vũ. Người nhảy thành thạo dìu bạn mới học những động tác cơ bản. Trên sàn nhảy không có nhạc mà chỉ nghe một - hai - ba - bốn... Tùy vào Tango hay Cha cha cha mà người ta đếm thế nào. Các sinh viên nữ mặc sơ mi trắng, quần đen, tóc tết bím ngang vai say sưa học các động tác. Thi thoảng lại vang lên tiếng cười rúc rích, hồn nhiên của tuổi trẻ. Còn ở nhà máy khu liên cơ Cao - Xà - Lá (cao su, xà phòng, thuốc lá), giới công nhân viên chức coi quốc tế vũ là bộ môn sinh hoạt văn hóa hấp dẫn bậc nhất. Tùy vào lịch sinh hoạt của mỗi cơ sở mà chọn lựa giờ tập nhảy, nhưng nhìn chung các hội trường nhà máy vào buổi tối luôn vang lên tiếng nhạc của các vũ điệu Tango, Valse, Boston… Thanh niên nam nữ sau giờ tan ca lại rủ nhau đến hội trường. Họ trút bỏ bộ đồ bảo hộ rồi thay quần áo, đầu tóc gọn gàng, chân tuy đi dép nhựa nhưng từng đôi, từng cặp hòa vào tiếng nhạc. Dường như họ quên hết cả mệt nhọc sau những giờ đứng máy.

Tuy chỉ là phong trào nghiệp dư, nhưng các buổi quốc tế vũ đều có ban nhạc sống (thường là 1 tay accordion, 1 tay trống, 1 tay guitar). Ngày đó nhà máy, xí nghiệp nào cũng có phong trào văn nghệ nên cũng hình thành ban nhạc riêng của họ và không kém phần chuyên nghiệp. Ví dụ như Nhà máy Chế tạo biến thế ở số 10 Trần Nguyên Hãn (vốn là con cưng đầu đàn của Bộ Công nghiệp nặng) ngoài phong trào thể thao thì văn nghệ quần chúng cũng nổi đình nổi đám với ban nhạc quy tụ hầu hết các nhạc công chuyên nghiệp. Những buổi đại hội công nhân viên chức cuối năm, họ có ban nhạc với đầy đủ nhạc cụ và bộ hơi như kèn trompett, sacxophone, clarinets, accordion, violin không thua kém bất kỳ đoàn văn công nào. Do vậy những tối thứ bảy, chủ nhật, hội trường nhà máy thu hút rất đông nam thanh nữ tú hội tụ về đây để nhảy quốc tế vũ. Mở đầu là tiếng kèn trompett hòa cùng tiếng trống khiến không khí hội trường sôi động hẳn. Từng đôi, từng cặp lướt đi trong điệu nhạc mà mới chiều đây thôi họ còn đứng máy tiện, máy bào, máy phay, hay cuốn dây mô tơ biến thế. Cũng từ sở thích đam mê bộ môn quốc tế vũ mà nhiều bạn trẻ đã thành tình yêu lứa đôi.


Hồi ức thanh xuân

Hà Nội ngày ấy cũng có những câu lạc bộ VIP dành riêng cho những người có thẻ sinh hoạt do Thành đoàn cấp, ví dụ như Câu lạc bộ Thống Nhất ở phố Lý Thái Tổ, Câu lạc bộ Đoàn Kết… Những câu lạc bộ này sinh hoạt vào các tối chủ nhật hay ngày lễ, Tết và quy định khá ngặt nghèo, những người đến khiêu vũ phải có thẻ sinh hoạt và trang phục chỉnh tề. Nam giới bắt buộc phải sơ mi trắng, quần âu, đi giày da. Chị em thì tự do hơn, có thể mặc quần hoặc váy, áo dài và đi giày cao gót. Ai ăn mặc luộm thuộm thì khi vào cửa thế nào cũng bị quản lý cản lại.

Có chuyện là hai anh chị yêu nhau đến tham gia sinh hoạt quốc tế vũ ở Câu lạc bộ Đinh Lễ hầu không sót buổi nào. Đêm Noel, cô cậu mới chuẩn bị bộ cánh từ mấy ngày trước để đến sàn nhảy rồi sau đó sẽ đi nhà thờ đến khuya. Anh bạn trai đã để sẵn bộ comple thơm tho trên mắc áo, nhưng khi lôi đôi giày ra đánh xi thì tá hỏa vì con chuột quái ác đã cắn thủng mũi giày. Cực chẳng đã, anh đành mang giày đến cửa hàng sửa chữa nhưng ông thợ cũng bó tay. Còn vài tiếng nữa là đến giờ hẹn với người yêu, anh vội mượn tạm người bạn đôi giày khác cho kịp buổi tối. Nhưng khổ nỗi, cỡ chân người cho mượn giày là 41, chân anh thì 39, xỏ vào gót còn thừa đến một ngón tay. Anh đành lấy chiếc khăn mặt rách tống vào mũi giầy để đi cho vừa. Nhưng khi ra đến sàn, điệu Cha cha cha bốc quá khiến giày văng một nơi, khăn mặt văng một nẻo. Nghe đâu chuyện tình của họ cũng tan ít tháng sau đó, nguyên nhân thì hoàn toàn không liên quan đến quốc tế vũ và đôi giày đi mượn.

 

Có năm, vào đêm Giao thừa người ta tổ chức quốc tế vũ ngay trên đường Đinh Tiên Hoàng, chỗ đối diện với tháp Hòa Phong mà ngày ấy người ta quen gọi là nhà Ủy ban quốc tế. Cây cối khu vực sàn nhảy ngoài trời được kết ruy băng đủ màu, đèn nhấp nháy xanh đỏ sáng rực cả một góc phố. Xung quanh được căng dây với đội ngũ thanh niên cờ đỏ giữ trật tự. Không khí nhộn nhịp ngay trước giờ khai mạc, những giai điệu sôi động thu hút khán giả kéo đến mỗi lúc một đông. Mở đầu sẽ là vài đôi trung niên trang phục comple, váy dài trong điệu Valse trên nền nhạc kinh điển “Dòng Danube xanh”.

Rồi tiếp đến là những cặp lớn tuổi hơn, nhiều đôi đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn đi những động tác Tango điêu luyện khiến đám đông thưởng lãm phải trầm trồ khen ngợi. Thường các cặp nhảy đó là những người đã sống qua thời Pháp, thời mà bộ môn khiêu vũ của châu Âu được mang đến Đông Dương. Ở một điểm khác là nhà thuyền Hồ Tây, ca sĩ Ngọc Bảo sẽ thả hồn vào những ca khúc theo dòng nhạc slow để các đôi bạn trẻ đắm say ôm nhau trong mùa xuân và hạnh phúc. Và những người biết khiêu vũ năm ấy quả rất may mắn vì họ sở hữu những hồi ức độc nhất vô nhị mà không dễ ai có được.

 

 

 

Thảo luận về chủ đề này
Danh mục

Giỏ hàng